Hội nghị ‘Giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long’

“Tôi đề nghị các đồng chí nói thẳng, nói thật các vướng mắc ngành lúa gạo đang gặp để gỡ vướng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra hôm nay, 15-3, ở An Giang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng gạo tại Hội nghị - ảnh Quang Minh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng gạo tại Hội nghị – ảnh Quang Minh

Thủ tướng cho rằng khoa học công nghệ có vai trò rất lớn trong việc phát triển ngành lúa gạo, khoa học công nghệ không phát triển thì ngành lúa gạo sẽ không thể phát triển được, cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. “Vậy, chúng ta đặt vấn đề gì về khoa học công nghệ cho sản xuất lúa gạo Việt Nam?”, Thủ tướng nêu câu hỏi.

Theo đề nghị của Thủ tướng, các bộ ngành và doanh nghiệp phải nói thẳng, nói thật những cái vướng mà ngành lúa gạo đang gặp phải, để sản xuất sản phẩm có chất lượng nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. “Chúng ta phải phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, an toàn thực phẩm, chứ không phải trên tinh thần là sản lượng”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải đổi mới tư duy làm ăn theo kiểu “năm sau cao hơn năm trước về sản lượng, nhưng giá trị, hiệu quả thấp”.

Từ gợi ý như vậy, Thủ tướng nêu câu hỏi cho các bộ ngành và doanh nghiệp rằng: “Cái vướng mắc cần giải quyết ở đây là gì?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ có hay không tham nhũng, tiêu cực trong ngành lúa gạo.

Không dừng lại ở đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành làm rõ và nhanh chóng tháo gỡ những thể chế, quy định gây ách tắc cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo hiện nay. “Nhân đây, có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôi tuyên bố hủy bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo Thủ tướng là hợp lý bởi có những doanh nghiệp nhỏ, nhưng vẫn xuất khẩu được trên 60.000 tấn gạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu làm rõ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) có gây cản trở gì cho xuất khẩu gạo hay không? Có bao cấp hạn ngạch hay không và yêu cầu phải chấm dứt tình trạng này.

Liên quan đến gợi ý của Thủ tướng, TBKTSG Online đặt câu hỏi bên lề hội nghị rằng: “Đứng ở góc độ của VFA, phải giải quyết vấn đề này như thế nào?”, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho rằng gợi ý của Thủ tướng là xác đáng.

Theo ông Năng, liên quan đến VFA, gần đây có một số ý kiến của dư luận. “Ví dụ, Nghị định 109 (về kinh doanh xuất khẩu gạo) có bất cập, nhưng nếu có bất cập như vậy cũng không phải là của VFA, mà Bộ Công Thương đang rất quyết liệt điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh mà để lúa gạo phát triển bền vững thì phải trên góc độ chuỗi giá trị”, ông Năng cho biết.

Còn với dư luận phản ánh việc phân hạn ngạch xuất khẩu gạo, theo ông Năng, hiện tại hoàn toàn không có chuyện này, mà có thể là trong quá khứ. “Trong ngành gạo hiện nay, kể cả trong VFA hoàn toàn không có khái niệm đó (quota)”, ông nói.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết xây dựng chuỗi giá trị trong mô hình cánh đồng lớn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hướng đi đúng. “Nhưng tại sao mô hình liên kết sản xuất không phát triển?”, ông nêu câu hỏi.

Theo ông Bình, từ năm 2010 đến nay, song song với mô hình cánh đồng lớn, Chính phủ cũng đưa ra rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ để mô hình này phát triển, trong đó, trọng tâm là Quyết định 63 về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giảm tổn thất sau thu hoạch.

Cũng theo ông Bình, Quyết định 63 là quyết định tuyệt vời, nhưng có vài điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, yêu cầu mua máy móc thiết bị để phục vụ chế biến gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch phải nội địa hóa 30% mới được ưu đãi là bất hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông khi sửa Quyết định 63, lẽ ra chỉ sửa cái bất hợp lý, thì những người làm chính sách lại sửa luôn những cái tốt đẹp của quyết định này để thay thế bằng quyết định khác, không có những ưu đãi như Quyết định 63 cũng là một điều bất hợp lý.

Ông Bình yêu cầu phải hành động ngay, thay đổi ngay những nút thắt, cản trở sự phát triển của ngành lúa gạo, chứ không nên chần chừ mãi. “Chính phủ đã nói là chính phủ kiến tạo, cho nên hôm nay tôi đề nghị Thủ tướng, cái gì thuộc trách nhiệm của Thủ tướng, quyền hạn của Thủ tướng thì Thủ tướng cứ làm, chứ đừng cứ bàn suốt như mấy năm nay”, ông Bình cho biết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0903.289.332